Ông Đỗ Mộng Hùng.
PV đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Mộng Hùng - Trưởng ban An toàn, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
PV: Thưa ông, năm 2017 được dự báo thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp khi hượng tượng ENSO sẽ chuyển sang trạng thái ElNino từ nửa cuối năm 2017. Với diễn biến thời tiết như vậy ngành Điện có thể bị ảnh hưởng như thế nào thưa ông?
Ông Đỗ Mộng Hùng: Năm 2017, theo các dự báo mới nhất thì đa số các Cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới, hiện tượng ENSO sẽ có xu hướng chuyển sang trạng thái El Nino từ nửa cuối năm 2017 và nếu vậy, sẽ là năm thứ 3 liên tiếp xuất hiện El Nino chỉ sau một thời kỳ tương đối ngắn chuyển sang pha lạnh.
Nếu hiện tượng ENSO chuyển sang trạng thái El Nino vào nửa cuối năm 2017, nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông sẽ xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Ngoài ra, tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao vào những năm chịu tác động của El Nino.
Dưới tác động của El Nino vào thời kỳ cuối năm, lượng mưa trên phạm vi toàn quốc có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm vào cuối mùa mưa năm 2017. Tuy nhiên, hiện tượng mưa lớn đến rất lớn cục bộ trong thời đoạn ngắn thường xuất hiện trong những năm chịu tác động của El Nino.
Với diễn biến của thời tiết như vậy, ảnh hưởng của mưa, gió bão lớn đến lưới điện truyền tải và phân phối (móng và cột điện, đường dây, trạm điện, đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông, các đường dây mới đưa vào vận hành). Cần phải chủ động ứng phó để đảm bảo an toàn cung cấp điện, đồng thời công tác đảm bảo an toàn đập, công trình, hồ chứa và vùng hạ du cũng phải đặc biệt quan tâm trong mùa mưa lũ, hơn nữa phải kết hợp hài hòa giữa nâng cao hiệu quả phát điện trong mùa lũ và tích đầy nước các hồ cuối mùa lũ để cấp nước và phát điện mùa khô năm 2018, nhất là theo dự báo lượng mưa trên phạm vi toàn quốc có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm vào cuối mùa mưa năm 2017.
PV: Trước diễn biến thời tiết như vậy, EVN đã chỉ đạo các đơn vị ra sao để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời thưa ông?
Ông Đỗ Mộng Hùng: Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn đập, hồ chứa, công trình thủy điện, góp phần đảm bảo an toàn cho hạ du và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017 của đất nước, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1627/CT-EVN ngày 17/4/2017 của Tập đoàn về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 bao gồm các yêu cầu chung đối với các đơn vị và yêu cầu cụ thể với từng đơn vị thuộc các Công ty thủy điện trực thuộc, các Tổng công ty Phát điện. các Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Trung tâm Điều độ HTĐ quốc gia, các Ban QLDA nguồn điện, Trung tâm Viễn thông và Công nghệ thông tin,…
Trong những năm qua thiên tai đã gây thiệt hại lớn cho ngành Điện.
PV: Trong Hội nghị tổng kết công tác PCTT&TKCN của Trung ương năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương ngành Điện đã kịp thời cấp điện trở lại sau bão giúp chống úng và cứu hàng nghìn ha lúa. Vậy trong năm 2017, EVN yêu cầu gì với các Tổng công ty Điện lực?
Ông Đỗ Mộng Hùng: Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn cung cấp điện, trong mùa mưa bão năm 2017, Tập đoàn đã yêu cầu các Tổng công ty Điện lực tổng kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện (đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông, các đường dây mới đưa vào vận hành...), đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa bão.
Chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị vật tư, nguồn lực; đảm bảo an toàn cho người, thiết bị khi xảy ra bão, ngập úng; đảm bảo an toàn, nhanh nhất trong quá trình khôi phục cấp điện trở lại.
Chỉ đạo các Công ty Điện lực tỉnh/thành phố chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về ảnh hưởng đến cung ứng điện cũng như quá trình khắc phục để cung cấp điện trở lại ở các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai cho các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương, địa phương và các cấp chính quyền ở tỉnh/thành phố, huyện, xã.
Trong mùa mưa bão, lũ, các Tổng công ty phải tăng cường theo dõi thường xuyên, kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị thủy điện trực thuộc hoặc có vốn góp tuân thủ các quy định trong công tác vận hành xả lũ hồ chứa đồng thời chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan truyền thông khi xả lũ hồ chứa.
PV: Thưa ông, các NMTĐ lớn do EVN trực tiếp quản lý trong thời gian qua đã thực hiện rất tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên trong năm qua việc vận hành các NMTĐ nhỏ trong các đơn vị thuộc EVN vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Vậy năm nay EVN có yêu cầu đối với các NMTĐ này như thế nào?
Ông Đỗ Mộng Hùng: Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa, công trình thủy điện, Tập đoàn đã yêu cầu các Công ty thủy điện trực thuộc kiểm tra và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, công trình, thiết bị đóng mở ở đập tràn, nguồn điện diesel dự phòng, đảm bảo có đầy đủ số liệu thủy văn để vận hành hồ chứa; rà soát, đánh giá, cập nhật, sửa đổi, bổ sung phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du, quy chế phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan (bao gồm cả cơ quan khí tượng thủy văn), cơ chế phối hợp vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa trên cùng lưu vực để sát với thực tế.
Phối hợp với các cấp chính quyền ở địa phương có liên quan kiểm tra thực địa hiện trạng dòng chảy thoát lũ ở hạ lưu đập và kịp thời xử lý các vi phạm, lấn chiếm ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của công trình nhằm đảm bảo xả lũ an toàn, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại cho hạ lưu khi xả lũ. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân vùng hạ du những thông tin và quy định về công tác phòng chống lụt bão, xả lũ của hồ chứa, đặc biệt là với nhân dân sinh sống gần hạ lưu công trình.
Kiểm tra, duy trì sự hoạt động tốt và liên tục của hệ thống cảnh báo cho vùng hạ du đập khi vận hành, xả lũ hồ chứa và hệ thống camera giám sát tại thượng lưu, hạ lưu các hồ chứa, truyền hình ảnh về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và các BCH PCTT và TKCN địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông!
Để đảm bảo công tác PCTT&TKCN năm 2017 được hiệu quả, EVN kiến nghị:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực hồ chứa, để thực hiện quan trắc đảm bảo chất lượng và đúng yêu cầu kỹ thuật.
- Bộ NN&PTNT có văn bản hướng dẫn về lập bản đồ ngập lụt hạ du cho các hồ chứa, để các đơn vị quản lý các NMTĐ có cơ sở làm việc với các địa phương trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định mới về Quản lý an toàn đập.
|